Đức Chúa Trời là đấng chăn giữ tôi (Thi-Thiên 23)
Tác giả: Brent A. Strawn
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Nếu tình cờ một người trong chúng ta thuộc lòng một bài thi ca nào đó trong Kinh Thánh, thì gần như chắc chắn đó là bài Thi Thiên 23. Bài thơ ngắn này rất nổi tiếng và thường được đọc trong bối cảnh đau khổ, buồn bã và tang chế. Thi Thiên 23 chỉ là một trong số 150 bài của sách Thi Thiên trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ; điều gì làm cho bài thơ này được phổ biến như vậy? Và bài thơ nổi tiếng này muốn nói lên điều gì?
Tại sao Thi Thiên 23 được phổ biến?
Điều mà chúng ta cần đề cập đến trước tiên để trả lời cho câu hỏi trên là trong quá khứ Thi Thiên 23 không phải lúc nào cũng được phổ biến. Cũng như các phân đoạn khác trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, sự nổi tiếng của bài thi ca này đã thăng trầm qua nhiều thế kỷ. Xét cho cùng, Thi Thiên 23 cũng không hơn không kém khi so với 149 bài Thi Thiên còn lại của sách; vả lại, con số 23 tự nó cũng chẳng có đáng gì cho chúng ta phải để ý, nó cũng như các con số thứ tự khác như số 19 hoặc số 141. Tại Hoa Kỳ, sự phổ biến của Thi Thiên 23 có thể đã được dấy động bởi nhà truyền giáo nổi tiếng Henry Ward Beecher trong thế kỷ 19. Năm 1858, Beecher so sánh Thi Thiên 23 như là chim họa mi của các bài Thi Thiên:
Chim họa mi nhỏ bé, lông xù giản dị, hát rụt rè vu vi; nhưng, dù như vậy đó! nó đã lấp đầy không gian của cả thế giới với tiếng hót vui du dương, lớn hơn cả những gì mà con tim có thể cảm nhận. Phước cho ngày mà bài Thi Thiên này được sinh ra! (Beecher, Life Thoughts, 11).
Câu nói trên của Beecher đã được các nhà văn khác trích dẫn lại. Nhà văn kiêm thi sĩ người Hoa-Kỳ Louisa May Alcott đã ám chỉ bài Thi Thiên 23 trong tác phẩm Little Women (1868) (chương 40 có tựa đề là “Thung lũng bóng tối”). Một vài chính trị gia nổi tiếng thậm chí đã nhắc đến Thi Thiên 23 khi mô tả về căn bệnh của họ. Đến năm 1916, Thi Thiên 23 trở thành một mẫu kinh cầu nguyện trong tang lễ tổ chức tại các hội thánh Giám Lý. Bài thi ca này được xem như một dấu hiệu của hy vọng trong cuộc sống sắp tới.
Thật vậy, sự phổ biến rộng rải của Thi Thiên 23 vì bài thi ca này mang đầy ý nghĩa của sự hy vọng, như tác giả đã diễn tả trong câu sau cùng của bài thơ:
Quả thật, trọn đời tôi, phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi: và tôi sẽ ở trong nhà của Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài (Thi-Thiên 23:6 BTT).
Mặc dù các yếu tố khác, chẳng hạn như sự ngắn gọn và sự nhấn mạnh rõ ràng về tín ngưỡng cá nhân của Thi Thiên 23, đã góp phần làm cho bài Thi Thiên này nổi tiếng, nhưng niềm tự tin truyền đạt trong câu sau cùng của bài thơ, kết nối với từ “mãi mãi” trong câu 6, là lý do chính mà Thi Thiên 23 được đọc thường xuyên tại các đám tang.
Thi Thiên 23 nói về điều gì?
Nhưng liệu Thi Thiên 23 có thực sự nói về sự tự tin khi đối mặt với cái chết? Không phải vậy –nguyên thủy của nó thật sự không mang ý nghĩa đó. Bài Thi Thiên này chắc chắn mang ý nghĩa về sự hy vọng; nói chung, nó có thể được phân loại là thi ca của niềm tin — một thể loại Thi Thiên nhất định, cùng có chung thể loại này là Thi Thiên 4, Thi Thiên 11, Thi Thiên 16, Thi Thiên 27:1–6, Thi Thiên 62, Thi Thiên 131. Mô-típ hy vọng trong Thi Thiên 23 được lồng trong hai hình ảnh chính:
- Đức Chúa Trời là đấng chăn chiên hiền lành, và tác giả là con chiên (Thi-Thiên 23:1–4).
- Đức Chúa Trời như một vị chủ nhà rộng lượng, và tác giả là khách (Thi-Thiên 23:5–6).
Cả hai hình ảnh trên đều không mang ý nghĩa nào liên quan gì đến sự chết; mà còn trái lại, vì thật vậy, người chăn chiên muốn giữ chiên của họ sống, cũng như chủ nhà đối với khách của mình! Điểm tương tự này được mô tả trong bài thi ca để nhấn mạnh cách Đức Chúa Trời chăm sóc con dân Ngài phong phú và dư dật (thể hiện trong hình ảnh người chăn chiên hay là chủ nhà). Mô-típ sự chết hoàn toàn không có trong bài thơ, tất nhiên, ngoại trừ, với cụm từ nổi tiếng “trong trũng bóng chết.” Bản King James và nhiều bản dịch khác dùng cụm từ này, nhưng đây là một cách phiên dịch cổ xưa, có nguồn gốc từ bản Septuagint. Nhưng cách dịch như vậy là một cách giải thích có tính chất “phỏng đoán tốt nhất” của từ “tsalmawet” của tiếng Hê-bơ-rơ, tsalmawet hoàn toàn không có nghĩa là “bóng chết.” Hầu hết các bản dịch tiếng Anh sau này phản ánh những cách hiểu khác nhau về từ “tsalmawet.” Vì thế cho nên từ “tsalmawet” được dịch là “thung lũng tối đen” (Bản dịch New American Bible [NRSV]), hoặc “thung lũng tối tăm nhất” (bản New Revised Standard Version [NRSV]), hoặc ngay cả “bóng tối sâu nhất” (TANAKH [NJPS]). Nếu những bản dịch mới này chính xác, Thi Thiên 23 chưa hề đề cập đến sự chết, mà trái lại bài thơ này nói về những hình ảnh mang lại sự sống của Đức Chúa Trời, gây dựng nên niềm tin cậy và kích động sự tự tin.
Nhưng “sống trong nhà của Đức Giê-hô-va mãi mãi” (c. 6) mang ý nghĩa gì? Có phải câu này ám chỉ thế giới bên kia? Đến đây, điều quan trọng là chúng ta phải chú ý đến tính chất sống động của thơ ca Hê-bơ-rơ. Trong câu 6, từ “mãi mãi” đối song song với cụm từ “tất cả những ngày trong cuộc đời của tôi” nằm trước nó. Điều đó giải thích tại sao một số bản dịch không dịch từ “mãi mãi,” mà thay vào đó là “trọn đời tôi” (NRSV) hoặc “khi tôi còn sống” (CEB). Tác giả không mong chờ sự chết nhưng mong chờ sự sống. Thật vậy, tác giả rất biết ơn sự chăm sóc phục hồi mà Đức Chúa Trời đã cung cấp, khiến cho tác giả luôn cảm nhận được phước hạnh và sự thương xót và tiếp tục trở về nhà của Đức Chúa Trời (đền thờ) khi còn đang sống.
Đây là một sứ điệp rất mạnh mẽ: rằng tác giả sẽ không bị truy đuổi phải bởi kẻ thù mà bởi phước hạnh, và sẽ liên tục trải nghiệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đền thờ. Đó là lý do tại sao Thi Thiên 23 rất nổi tiếng và thông dụng.
Hình ảnh này đầy sự lôi cuốn, đặc biệt là sự hướng dẫn, bảo vệ và chăm sóc của Đức Chúa Trời khích lệ chúng ta sử dụng Thi Thiên 23 trong hầu hết mọi bối cảnh, thậm chí và đặc biệt ở bối cảnh đau khổ và chết chóc – mặc dù thực tế rằng bài Thi Thiên này không nói đến các bối cảnh đó, mà thay vào đó, chú trọng vào sự chăm sóc chu đáo của Đức Chúa Trời: “chén tôi tràn đầy” (Thi Thiên 23:5).
Bibliography
- Goldingay, John. Psalms 1-41. Vol. 1 of Psalms. Baker Commentary on the Old Testament Wisdom and Psalms. Grand Rapids, Mich.: Baker Academic, 2006.
- Beecher, Henry Ward. Life Thoughts. Boston: Phillips Sampson, 1858.
- Strawn, Brent A. “Hebrew Poetry.” Pages 959–60 in The New Interpreter’s Bible: One-Volume Commentary. Edited by B. R. Gaventa and D. Petersen. Nashville: Abingdon, 2010.
- Holladay, William L. The Psalms Through Three Thousand Years: Prayerbook of a Cloud of Witnesses. Minneapolis: Fortress, 1993.