Search the Site

Donate

The Manuscript History of John 8 (Vietnamese)


Pieter Bruegel the Elder
Pieter Bruegel the Elder

Lịch Sử Kinh Văn và Giăng 8:1–11

Tác giả: Chris Keith

Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

 

Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong Tin Lành Giăng 8:1–11 là một trong những câu chuyện phổ biến nhất trong Kinh Thánh.  Việc Giê-su không kết án người phụ nữ ngoại tình và lời tuyên bố của Ngài “Hãy để bất cứ ai trong các ngươi là người không có tội làm người đầu tiên ném đá vào người phụ nữ này” (Giăng 8:7) đã lôi cuốn một số độc giả; và với lời tuyên bố đó, Ngài đã đối đáp với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si một cách rất khôn ngoan.  Các người chống đối Giê-su, Giăng 8:5, cho rằng theo luật pháp Môi-se thì người phụ nữ phạm tội ngoại tình phải bị xử chết, và họ muốn gài buộc Giê-su vào tình huống khó xử bằng cách ép buộc Giê-su phải chọn một trong hai giải pháp: 1) cho phép người phụ nữ được tự do, hành động này cũng mang ý nghĩa công khai không tuân theo luật pháp của Môi-se; hoặc 2) chấp nhận việc xử chết người phụ nữ phạm tội, hành động này cũng mang ý nghĩa từ bỏ danh tiếng “người bạn của những kẻ tội lỗi” của mình (điều này cũng có thể gặp khó khăn với nhà cầm quyền La-Mã vì đã góp phần vào việc thi hành án tử hình mà họ không cho phép). Câu trả lời khôn khéo của Giê-su, Giăng 8:7, khiến không ai có thể xử phạt người phụ nữ phạm tội, và cũng không cần phải bác bỏ luật pháp của Môi-se.

Điều đáng quan tâm là câu chuyện này không được ghi chép lại trong các bản sao chép xưa cũ nhất của Phúc âm Giăng. Thật vậy, vào khoảng năm 400 sau Công Nguyên chúng ta mới có một bản sao chép đầu tiên ký thuật lại câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình.  Khoảng 4% các bản thảo Hy Lạp không sắp đặt câu chuyện này ở vị trí phân đoạn 8:1–11 (như chúng ta có trong sách Giăng hiện nay) nhưng vào những vị trí khác trong sách; các bản xưa cũ nhất trong số các bản sao chép này có niên đại vào từ khoảng thế kỷ thứ chín và thứ mười sau Công Nguyên.  Tính chất lịch sử phức tạp của phân đoạn kinh văn này đã gây nên nhiều tranh luận về câu chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Câu chuyện này ban đầu có trong Phúc âm Giăng hay không, và nếu có, thì nó được sắp đặt ở vị trí nào trong sách? Đa số các học giả tin rằng sau này một thầy thông giáo Cơ đốc khi sao chép đã cộng thêm câu chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình, Giăng 8:1–11, vào sách Tin Lành Giăng; và lý do vị trí của câu chuyện được đặt để ở các vị trí khác trong sách Giăng, thay vì 8:1–11, là do ảnh hưởng của các sách nghi lễ thờ phượng của Hội Thánh (dùng để đọc trong các lễ thờ phượng).  Phương pháp đọc Kinh Thánh phổ biến này đã chia kinh văn thành các đơn vị riêng lẻ và thích nghi, dùng để đọc trong những ngày lễ nhất định và cụ thể nào đó.  Việc chia và sắp xếp lại thứ tự phân đoạn trong Kinh Thánh phản ánh những phân đoạn họ muốn đọc trong các buỗi lễ thờ phượng. Câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình là một trong những phân đoạn được di dời.

Một khía cạnh đáng quan tâm khác của phân đoạn này là việc Giê-su viết trên mặt đất (Giăng 8:6, 8); các nhà giải kinh đưa ra nhiều giải thích khác nhau về hành động này.  Một số học giả đề xuất rằng Giê-su viết các câu Kinh Thánh, một số khác lại cho rằng Giê-su đang vẽ nguệch ngoạc. Tuy nhiên, người ta phải nhận ra rằng nếu những gì Giê-su viết là quan trọng, thì tác giả có lẽ đã ghi chép lại những gì Giê-su đã viết xuống mặt đất.  Thuyết phục nhất, Giăng 8:6, 8, chỉ đơn giản nói lên rằng Giê-su biết viết chữ.  Đây là một khả năng kiến thức rất có ý nghĩa trong thế giới cổ đại, trong thời điểm mà hầu hết đa số đều không biết chữ.  Nhận xét này cũng giải thích lý do người sao chép Kinh Thánh đã sắp xếp phân đoạn người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình nằm ở vị trí tiếp nối Giăng 7.  Trong Giăng 7, các nhà lãnh đạo Do Thái đặt nghi vấn về học thuật của Giê-su (Giăng 7:15) nói riêng, cũng như về kiến thức và khả năng tra cứu luật pháp của người Ga-li-lê nói chung (Giăng 7:49, 52).

Ngoài ra, các động từ mô tả hành động “viết” dùng trong Giăng 8:6, 8 được tác giả mượn từ phiên bản Hy Lạp của Xuất Ê-díp-tô Ký 32:15.  Đoạn văn này mô tả Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời; người phụ nữ trong Phúc âm Giăng bị buộc tội vi phạm điều răn cấm ngoại tình trong Mười Điều Răn. Bối cảnh của phân đoạn Xuất Ê-díp-tô Ký 32 khẳng định rằng Đức Chúa Trời  đã viết những điều răn bằng ngón tay của mình (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18).  Cũng như Đức Chúa Trời đã dùng ngón tay để viết, Giê-su cũng viết bằng ngón tay của mình trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình (Giăng 8:6). Tác giả của câu chuyện người phụ nữ ngoại tình dường như muốn bày tỏ rằng Giê-su biết viết, và hành động viết của Giê-su trong lúc đó mang ý nghĩa tương đương với hành động viết Mười Điều Răn bằng ngón tay của Đức Chúa Trời.  Điều này làm cho Giê-su vượt trội hơn Môi-se; những người chống đối Giê-su trước tiên đã thách thức Ngài tiếp quyền Môi-se bằng cách kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình.

 

  • Chris Keith

    Chris Keith is professor of New Testament and Early Christianity at St Mary’s University where he also serves as Director of the Centre for the Social-Scientific Study of the Bible.  His publications include Jesus against the Scribal Elite: The Origins of the Conflict (Baker Academic, 2014), Jesus among Friends and Enemies: A Historical and Literary Introduction to Jesus in the Gospels (co-edited with Larry W. Hurtado, Baker Academic, 2011), and Jesus, Criteria, and the Demise of Authenticity (co-edited with Anthony Le Donne, T&T Clark, 2012).